Chỉ cần ngồi tại trụ sở điều hành thông qua các camera giám sát và các thiết bị chuyên dụng được lắp đặt trên đường, lực lượng CSGT có thể kiểm soát tình hình giao thông trên toàn bộ tuyến đường dài hàng chục km để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp xe quá tải, quá khổ, chạy nhanh, vượt ẩu vi phạm TTATGT; phân luồng giao thông sớm nếu xảy ra sự cố ùn tắc"... đây là mục tiêu được đánh giá là có tính khả thi cao của mô hình Trạm thu phí theo dõi bằng hình ảnh trực tuyến đang được Tập đoàn Hải Châu Việt Nam phối hợp với Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt triển khai thí điểm tại Trạm Thu phí Nam Cầu Giẽ và tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 48 km.
Công nghệ hay làm giảm vi phạm
Theo ông Phan Ngọc Hạp, Tổng giám đốc Tập đoàn Hải Châu Việt Nam, đơn vị đang tiến hành thu phí đường bộ tại Trạm thu phí cầu Cỏ May (QL51) và Trạm Nam Cầu Giẽ (QL1A) thì các trạm thu phí là địa điểm lý tưởng để thu thập thông tin đầy đủ các phương tiện đang tham gia giao thông trên đường.
Ngay khi nhận bàn giao Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ (tháng 7/2007), Tập đoàn Hải Châu Việt Nam đã phối hợp cùng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt xây dựng một mô hình trạm thu phí bằng hình ảnh hiện đại nhất Việt Nam có khả năng thu thập thông tin về toàn bộ hoạt động của các phương tiện giao thông qua Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ cũng như trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 48 km. Bằng việc lắp đặt các camera cùng thiết bị chuyên dụng trên đường, hình ảnh, dữ liệu giao thông sẽ được truyền trực tiếp về Trung tâm xử lý dữ liệu của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt và Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ. Thông qua các phần mềm đặc biệt, các cơ quan chức năng có thể phát hiện được cả các xe quá tải, quá hạn đang lưu thông từ đó nhanh chóng truyền lệnh xử lý vi phạm tới các chốt tuần tra giao thông trên đường.
Mặc dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng tại Trung tâm điều hành vừa được lắp đặt xong tại Trạm thu phí Nam Cầu Giẽ, chỉ bằng một vài thao tác đơn giản, chuyên gia của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt đã giúp chúng tôi quan sát được tình hình giao thông tại Trạm thu phí và cả một đoạn QL1A dài hơn 10 km. Không chỉ dừng ở việc quan sát, tất cả biển số xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị “bắt rất rõ” và lưu giữ trên máy tính.
Trung úy Lê Duy Dũng - người được Cục CSGT Đường bộ - đường sắt cử tham gia phối hợp với Tập đoàn Hải Châu Việt Nam lắp đặt thiết bị giám sát cho biết: Trong vài ngày tới, khi Trung tâm tiếp nhận xử lý hình ảnh giao thông trên QL1A đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ được lắp đặt xong tại 112 Lê Duẩn - Hà Nội, giao thông trên tuyến đường huyết mạch này sẽ được giám sát 24/24h.
Lợi ích thấy rõ, khó khăn vẫn còn
Theo các chuyên gia, chương trình giám sát giao thông này được đánh giá là đem lại lợi ích cho nhiều phía. Ngoài việc giúp Trạm Thu phí phát hiện, bịt các kẽ hở gây thất thu phí đường bộ khi phát hiện các trường hợp sử dụng vé giá, sử dụng vé ưu tiên, miễn giảm sai mục đích thì mô hình trạm thu phí bằng hình ảnh còn góp phần hạn chế TNGT. “Mô hình này hoàn toàn có khả năng phát hiện sớm các phương tiện vi phạm Luật Giao thông, cung cấp các bằng chứng xác thực bằng hình ảnh để lực lượng CSGT kịp thời xử lý”, đại diện Cục CSGT Đường bộ - đường sắt nhận xét.
Tại mô hình đầu tiên này, Tập đoàn Hải Châu Việt Nam tự bỏ tiền đầu tư toàn bộ hệ thống quản lý, camera giám sát, hệ thống đường truyền, cân điện tử tự động trên tuyến đường. Riêng kinh phí duy trì đường truyền từ vị trí trạm thu phí và 10 km đường QL1A trong giai đoạn thử nghiệm ước khoảng 3 -4 triệu đồng/tháng. Tập đoàn Hải Châu vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBATGTQG, Bộ Công an, Bộ GTVT đăng ký xin triển khai mô hình này thành Đề án cấp quốc gia.
Mặc dù được đánh giá là có tính khả thi cao về mặt kỹ thuật tuy nhiên việc triển khai đại trà mô hình Trạm thu phí bằng hình ảnh trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và các tuyến đường khác nói chung được dự báo còn gặp không ít khó khăn. Ngoài kinh phí đầu tư thiết bị, phần mềm phân tích thì việc duy trì đường truyền dữ liệu về các Trung tâm xử lý cũng không hề nhỏ.
Theo ước tính, nếu truyền hình ảnh của 48 km đường Pháp Vân - Cầu Giẽ về Hà Nội sẽ mất khoảng 100 triệu đồng/tháng. Và ngay cả khi có được các hình ảnh này, để xử lý nghiêm vi phạm, góp phần tạo được tâm lý: “Hãy cẩn thận hơn vì đường đang được CSGT giám sát bằng camera” của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng không phải là một bài toán đơn giản.